Kinh Cha Con Gặp Nhau (Phụ tử cọng hội)

2. Đó là người đã buông bỏ được mọi hiềm hận về quá khứ, mọi thắc mắc lo âu về tương lai. Trong giây phút hiện tại, người ấy cũng không bị hệ lụy vào bất cứ gì, cũng không bị kẹt vào hư danh và sự tôn kính của kẻ khác.
3. Không tham đắm vào tương lai, không ưu sầu về quá khứ. Người ấy trên đường mình đi đã buông bỏ mọi tham cầu, mọi tà kiến, không giữ lại một tư kiến nào.
4. Đã buông bỏ mọi sợ hãi, đã trở nên vững chãi nuôi dưỡng được chánh tín, diệt trừ được mọi nghi nan, không tật đố, lòng hoan hỷ với những gì đang có, yêu nếp sống thảnh thơi.
5. Có khả năng tiết chế, không tham vọng, có nhiều tuệ giác, không ganh ghét ai, không nói xấu ai, không trau chuốt bên ngoài, không nói lưỡi hai chiều, buông bỏ mọi hý luận và nghi ngờ.
6. Tâm ý giải thoát, không đắm trước, lìa tư kiến, không thêu dệt, hư vọng, bước đi an tường, có khả năng giải tỏa được mọi cuộc tranh chấp, không bị dục kéo đi, và đoạn trừ được mọi dục tưởng.
7. Không mưu toan để đạt tới một cái gì mình muốn, cũng không lo lắng khi mình không có cái kia, không oán giận, không bị vị ngọt của ái dục sai sử.
8. Không tự cao, không cho rằng không ai bằng mình, không có mặc cảm tự ti, biết quán chiếu, biết đình chỉ tâm ý, thấy được cái gì là thiện cái gì là ác và buông bỏ được những tri giác sai lầm.
9. Biết quán chiếu và thấy được tự tính các pháp, không còn bị kẹt vào một pháp nào, không cần nương tựa vào một pháp nào, cũng không bị kẹt vào ý niệm có và ý niệm không.
10. Ái đã diệt, tâm đã tĩnh, đã vượt biển sầu khổ qua tới bờ vô ưu, đã cởi trói, đã buông bỏ, không còn có gì để gọi là sở đắc, không còn theo đuổi tìm cầu gì nữa trong ba cõi.
11. Không cầu con trai, không cầu ruộng đất, không cầu trâu bò, không cầu của cải, người ấy không còn gì hoặc để nắm bắt hoặc để đuổi xua.
12. Dù bị đám đông công kích, phỉ báng xúc phạm, dù bị các vị Phạm chí và Sa môn chê bai, người ấy vẫn ngồi yên bất động, vẫn cứ đường mình mình đi.
13. Không tật đố, không xan tham, dù có được thế gian tôn kính cũng không bị vướng mắc; không tự tôn, không tự ti, không đòi bằng người, cái gì đúng pháp thì làm, phi pháp thì bỏ.
14. Thấy được tự tính không, đạt tới vô cầu, vô đắc, không còn vui cái vui phàm tục của thế gian, tâm ý đã thực sự dừng lại, vị mâu ni vượt thoát thời gian, đạt tới bản môn, đi vào kiếp ngoại.
Theo Thư viện Thích Nhất Hạnh
Các tin tức khác
- Những con thiêu thân (15/02/2014 07:06:56)
- 12 đại nguyện của Đức Phật Dược Sư Lưu Ly (10/02/2014 18:10:08)
- Kinh Sợ Khổ (03/02/2014 09:20:01)
- Kinh Phật nói về ngựa (20/01/2014 18:06:19)
- Kinh pháp cú - Phẩm an lạc (06/01/2014 16:32:04)
- Phật là Đấng toàn giác (25/12/2013 15:27:08)
- Phải sớm làm điều lành (25/12/2013 14:56:44)
- Nguyên nhân luân hồi và phương pháp giải thoát (25/12/2013 14:37:54)
- Kinh vô ngã tướng (17/12/2013 10:55:05)
- Kinh pháp cú - Phẩm Phật Đà (13/12/2013 15:16:49)